Thái tử phi Giả_Nam_Phong

Làm mận thay đào

Dù người con lớn nhất là Tư Mã Trung có trí tuệ kém phát triển nhưng Tấn Vũ Đế vẫn lập làm thái tử. Năm 271, Vũ Đế tính chuyện kén con dâu. Ban đầu, Vũ Đế định chọn con gái đại thần Vệ Quán cho Trung, nhưng sau đó lại nghe hoàng hậu Dương Diễm khuyên nên lấy con gái Giả Sung.

Lúc đó thái tử Trung lên 13 tuổi, Vũ Đế sai người đến hỏi con gái nhỏ của Giả Sung là Giả Ngọ lên 12. Nhưng lúc đó Giả Ngọ quá bé, không mặc vừa áo cưới, vì vậy Vũ Đế thấy Giả Sung có con gái lớn là Giả Nam Phong đã lên 15 tuổi, bèn cho lấy thái tử. Từ đó Giả Nam Phong trở thành thái tử phi. Theo mô tả của sử sách, Giả Nam Phong có ngoại hình xấu xí: dáng người thấp lùn và da đen[1].

Trước khi cưới Giả Nam Phong, Tư Mã Trung đã được vua cha ban cho cung nhân Tạ Cửu. Tạ Cửu được phong làm Tài Nhân. Giả Nam Phong chỉ sinh được 4 công chúa, còn Tài nhân Tạ Cửu lại sinh được người con trai là Tư Mã Duật.

Giúp chồng giữ ngôi

Sau khi diệt được Đông Ngô, Tấn Vũ đế sa vào hưởng lạc, ít chú ý đến triều chính. Thấy Tư Mã Trung trí tuệ kém, Vũ đế cũng có lo ngại về người kế vị, bèn làm phép thử. Vũ đế giao cho Trung phê thử một tập tấu sớ của các quan. Giả phi Nam Phong lo sợ chồng bị phế sẽ mất ngôi hoàng hậu trong tương lai nên tìm cách sai người làm hộ cho Tư Mã Trung.

Nội thị Trương Hoằng khuyên rằng:

Hoàng thượng biết Thái tử không giỏi chữ, nếu viết uyên bác quá sẽ lộ ra là nhờ người làm hộ.

Giả Nam Phong bèn nhờ Trương Hoằng lại khéo léo dùng lối văn chân phương nông cạn để diễn đạt. Tư Mã Trung cứ thế theo bài mẫu chép lại và mang nộp cho vua cha. Tấn Vũ đế cho rằng Trung cũng ít nhiều có hiểu biết nên tạm gác việc thay thái tử.

Giữ oán trả ân

Năm 274, hoàng hậu Dương Diễm mất, Vũ đế lập em họ Dương Diễm là Dương Chỉ làm Hoàng hậu, tức là Dương hoàng hậu thứ hai. Cha của Dương hậu là Dương Tuấn được cất nhắc làm đại thần.

Giả phi rất độc ác, có lần vì không vừa lòng bèn giết luôn người hầu trong cung. Một cung nữ khác trong cung có thai với thái tử, Giả phi phát hiện bèn lấy ngọn kích nhỏ cầm tay phóng đến làm người cung nữ bị thương và sẩy thai.

Tấn Vũ đế thấy Giả phi vừa xấu xí mà tính tình lại hung hãn, thường có ý phế bỏ. Tuy nhiên mỗi lần Vũ Đế nổi giận, Dương hoàng hậu lại can rằng nên nể Giả Sung có công lớn với triều đình mà để cho Giả phi tại vị. Vì vậy Giả phi mới không bị phế. Tuy nhiên Giả phi không biết ý tốt của mẹ chồng, lại cho rằng Dương hậu nói xấu mình với Vũ đế nên mang oán hận trong lòng[2].

Con cả của Trung là Tư Mã Duật còn nhỏ đã tỏ ra là người thông minh lanh lợi, khiến Vũ Đế rất yêu quý. Vệ Quán nhiều lần khuyên Tấn Vũ đế nên thay ngôi thái tử. Vũ đế cho rằng tuy con dốt nhưng cháu giỏi thì sau này có thể giúp con, vì vậy càng thôi ý định thay thái tử.